Truy cập nội dung luôn

 

QUY ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các phòng thuộc Sở GDĐT Tiền Giang

(Theo Quyết định số 80/ QĐ-SGDĐT ngày 22/02/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vị và đối tượng điều chỉnh

Văn bản này quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang về quản lý ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thực hiện Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang.

Quy định này được áp dụng đối với lãnh đạo Sở, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ (gọi chung là các phòng) và công chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Chức năng

Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nhiệm vụ

Phòng chịu sự lãnh đạo, kiểm tra của Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách: chịu trách nhiệm trước Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách và trước pháp luật về kết quả thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ được giao. Mọi thành viên trong phòng thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ được giao; thực hiện quy chế làm việc theo quy định hiện hành của Sở.

Trưởng phòng là người quản lý, điều hành công việc của phòng và chịu trách nhiệm chính về toàn bộ hoạt động của phòng trước Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách về nội dung, tiến độ, chất lượng các công việc được giao của phòng. Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng trước Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công theo quy định.

Các phòng là đầu mối trực tiếp giúp giám đốc chỉ đạo các hoạt động của cơ quan sở và chịu trách nhiệm về tình hình, kết quả công tác của các đơn vị cơ sở được phân công theo dõi.

Ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, các phòng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ mới đột xuất do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách phân công.

2. Quyền hạn

Được Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách ủy quyền truyền đạt trực tiếp đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách đối với đơn vị cá nhân khi làm nhiệm vụ.

Tham gia đề xuất, dự thảo các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tổ chức theo dõi, đánh giá, sơ kết, tổng kết, tổng hợp báo cáo tình hình công tác chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Các phòng giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, gồm 06 phòng:

- Phòng Tổ chức – Hành chính;

- Thanh tra;

- Phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục mầm non;

- Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên;

- Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Mỗi phòng gồm có 01 Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và các chuyên viên, cán sự, nhân viên. Biên chế của phòng do Giám đốc quy định dựa trên tổng biến chế Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho cơ quan và căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của từng phòng.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG

Điều 5.  Phòng Tổ chức – Hành chính

1. Chức năng

Giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý về công tác tổ chức - cán bộ; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục;Tổng hợp, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của lãnh đạo Sở.

2. Nhiệm vụ

a. Nhiệm vụ tổ chức

- Phê duyệt kế hoạch biệt phái, ra quyết định biệt phái viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

- Quyết định xét chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức khi chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác theo phân cấp quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Xây dựng đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; tổng hợp gửi Sở Nội vụ thẩm định; thành lập Hội đồng để tổ chức thi hoặc xét; quyết định bổ nhiệm chức danh các hạng có hệ số lương khởi điểm 2,34.

- Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

- Quyết định biệt phái, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức vụ, nâng lương, đào tạo, bồi dưỡng, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với viên chức quản lý. Thẩm định hồ sơ nâng lương, hồ sơ kỷ luật buộc thôi việc của viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị.

- Hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp, sử dụng, quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với viên chức trong các đơn vị.

- Hàng năm tổng hợp số lượng, chất lượng tình hình biến động viên chức thuộc quyền quản lý báo cáo Sở Nội vụ.

- Thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Thẩm định đề án, tờ trình của Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị về việc thành lập, sáp nhập chia tách, chuyển đổi loại hình, giải thể các cơ sở giáo dục theo quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

- Hướng dẫn, thực hiện thủ tục đi nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đơn vị trực thuộc và cơ quan Sở theo Quyết định số của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc Ban hành quy định về trình tự, thủ tục đi nước ngoài của công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang.

- Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành.

b. Nhiệm vụ hành chính: Thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

- Theo dõi việc thực hiện chương trình, kế hoạch làm việc của Sở.

- Tổng hợp và phân tích tình hình kết quả công tác của Sở, ngành  tuần, tháng, quý, năm.

- Tổ chức thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, quản trị.

- Đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho các hoạt động của Sở.

- Thực hiện công tác thi đua - khen thưởng, công tác quản lý nội bộ, công tác pháp chế, kiểm soát thủ tục hành chính, công tác quản trị hệ thống mạng máy tính, quản lý hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO: 9001 - 2008 của Sở.

- Thực hiện công tác pháp chế; quy trình cơ chế một cửa; kiểm soát thủ tục hành chính.

- Theo dõi thực hiện quy chế dân chủ, cải cách hành chính nhà nước trong nội bộ Sở

- Xây dựng kế hoạch công tác của phòng.

- Tham gia phối hợp với các phòng Sở theo nhiệm vụ có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc phân công.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên, cán sự, nhân viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm.

Điều 6. Thanh tra

1. Chức năng

Giúp Giám đốc Sở thực hiện công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, xác minh, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ

- Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Giám đốc Sở phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Sở; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở.

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ thanh tra giáo dục, đào tạo.

- Tổ chức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục; quản lý và thực hiện công tác tiếp dân, xử lý đơn thư theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Phối hợp với bộ phận tổ chức thực hiện kê khai, xác minh tài sản thu nhập công chức, viên chức.

- Xây dựng kế hoạch công tác của phòng.- Tham gia phối hợp với các phòng Sở theo nhiệm vụ có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc phân công.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra, thanh tra viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm.

Điều 7. Phòng Kế hoạch – Tài chính

1. Chức năng: giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý công tác quy hoạch, kế hoạch tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ

Chủ trì, hướng dẫn, quản lý thực hiện:

- Công tác quy hoạch và kế hoạch.

- Công tác đầu tư, trang thiết bị và cơ sở vật chất.

- Công tác tài chính – kế toán.

- Công tác thống kê.

- Xây dựng kế hoạch công tác của phòng.

- Tham gia phối hợp với các phòng Sở theo nhiệm vụ có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc phân công.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên, kế toán viên, nhân viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm.

Điều 8. Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục

1. Chức năng

Giúp Lãnh đạo Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Nhiệm vụ

- Chủ trì, phối hợp các phòng chuyên môn tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác khảo thí, các dịch vụ công về khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận văn bằng.

- Chủ trì, phối hợp các phòng chuyên môn tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

-  Tổ chức thực hiện việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, cấp văn bằng, chứng chỉ theo phân cấp quản lý giáo dục.

- Chủ trì, phối hợp các phòng chuyên môn giúp Giám đốc Sở xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của pháp luật.

- Quản lý và tham mưu cấp phép tư vấn du học, tư vấn tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

- Hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản sau khi ban hành.

- Xây dựng kế hoạch công tác của phòng.

- Tham gia phối hợp với các phòng Sở theo nhiệm vụ có liên quan.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc phân công.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm.

Điều 9. Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên

1. Chức năng

Giúp Giám đốc Sở  thực hiện chức năng quản lý  nhà nước về giáo dục trung học (GDTrH), bao gồm cấp Trung học cơ sở (THCS), cấp Trung học phổ thông (THPT) và Giáo dục thường xuyên (GDTX);

Giúp Giám đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xoá mù chữ, phổ cập THCS, Tin học - Ngoại ngữ ngoài nhà trường, hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, bồi dưỡng thường xuyên và xây dựng xã hội học tập.

2. Nhiệm vụ

Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về giáo dục THCS, các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; quản lý các loại hình trường trung học, trung tâm GDTX về thực hiện chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học, về đánh giá xếp loại học sinh và giáo viên; chỉ đạo thực hiện công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi; đề xuất việc thành lập các hội đồng chuyên môn biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu giáo dục địa phương theo qui định của Bộ GDĐT;

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục THCS và đánh giá thực hiện phổ cập giáo dục THCS theo các văn bản của Bộ GDĐT; theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình giáo dục THCS cả tỉnh qua từng thời kỳ, năm học. Tham mưu các chủ trương, biện pháp đảm bảo phát triển GDTrH, GDTX; phối hợp chỉ đạo xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia;

Tổ chức hội thi chọn giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh bậc trung học, GDTX và các cuộc thi khác do Bộ GDĐT tổ chức, phát động.

Phối hợp với phòng Tổ chức – Hành chính chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra  đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tuyển dụng giáo viên, nhân viên; công tác cán bộ quản lý các trường THPT;

Quản lý và tổ chức thực hiện việc chuyển trường cấp THPT của học sinh theo quy định của Bộ GDĐT;

Thẩm định hồ sơ cấp giấy phép dạy thêm, học thêm chương trình THPT; Cấp phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học.

Tham mưu hướng dẫn, kiểm tra phòng GDĐT huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện chức năng quản lý về GDTrH theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

Kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế mở mã ngành đào tạo theo quy định. Công tác liên kết đào tạo của các trường.

Phối hợp với phòng Kế hoạch – Tài chính, phòng Tổ chức – Hành chính và các đơn vị liên quan:

- Chuẩn bị hồ sơ để Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển GDTrH, GDTX;

- Triển khai, tham mưu hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực  GDTrH, GDTX; công tác xóa mùa chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan hướng dẫn, kiểm tra việc bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học, sách giáo khoa và các tài liệu, hồ sơ hiện hành trong các trường THCS, THPT, các trung tâm GDTX; tham gia hội đồng cấp tỉnh thẩm định danh mục và mẫu thiết bị dạy học trung học khi có yêu cầu; hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học;

Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ, kiểm tra, đánh giá GDTrH, GDTX bảo đảm thông tin  hai chiều thường xuyên kịp thời giữa Bộ, Sở và cơ sở giáo dục;

Phối hợp với phòng Khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục tổ chức chỉ đạo các kỳ thi và xét tốt nghiệp, thi tuyển sinh, bồi dưỡng và thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh; các kỳ thi sát hạch trình độ chuyên môn, công tác đánh giá chất lượng về GDTrH, GDTX;

Chủ trì và phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức chỉ đạo học và thi nghề phổ thông;

Phối hợp với Thanh tra Sở thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về những nội dung liên quan;

Phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Giám đốc Sở chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục trực thuộc và toàn ngành;

Phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan tham gia thực hiện, theo dõi hoạt động của các đề án, dự án, các chương trình có liên quan đến GDTrH, GDTX;

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GDĐT, tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu đề xuất các chủ trương, biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng xoá mù chữ, GDTX; hướng dẫn, kiểm tra các phòng GDĐT, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục;

Tham mưu Giám đốc Sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các phòng GDĐT, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học, phổ cập giáo dục; hướng dẫn đánh giá việc thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục theo các văn bản của Bộ GDĐT;

Chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo công tác bồi dưỡng thường xuyên và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện tốt chủ trương chuẩn hoá và nâng cao trình độ đội ngũ. Tham mưu phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các lực lượng xã hội có liên quan để thực hiện mục tiêu, kế hoạch GDTX;

Tham mưu tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, toàn diện hoặc chuyên đề đối với các phòng GDĐT, các cơ sở GDTX  trên địa  bàn tỉnh;

Tham mưu hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện chức năng quản lý về GDTX theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Tham mưu phối hợp với các tổ chức kinh tế - xã hội có liên quan, thực hiện chủ trương xã hội hoá đối với công tác xoá mù chữ - phổ cập giáo dục; Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng;

Một số công tác khác thuộc lĩnh vực có liên quan do Giám đốc phân công khi có yêu cầu.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm.

Điều 10. Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non

1. Chức năng

Giúp Ban Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

2. Nhiệm vụ

a. Nhiệm vụ Giáo dục tiểu học

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung kế hoạch giáo dục, thực hiện quy chế chuyên môn và các hoạt động giáo dục tiểu học theo kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: phát động các phong trào nhằm nâng cao đạo đức nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục; các cuộc thi, hội thi theo quy định, công tác phổ cập giáo dục tiểu học; xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; công tác bồi dưỡng thường xuyên, giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học; tham gia chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học.

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra các trường tiểu học trong việc phát động phong trào tự làm, sưu tầm, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học; ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học; xây dựng thư viện thân thiện, trường học an toàn.

- Tổ chức, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện đánh giá, xếp loại chuẩn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tổng hợp đánh giá tình hình giáo dục tiểu học qua từng thời kỳ và các năm học. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

- Phối hợp các Phòng chức năng của Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc Sở phân công.

b. Nhiệm vụ Giáo dục mầm non

- Phối hợp với phòng Kế hoạch - Tài chính, phòng Tổ chức - Hành chính và các phòng chuyên môn nghiệp vụ khác tham mưu Ban Giám đốc xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non;

- Đề xuất và tham mưu Ban Giám đốc những chủ trương, biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non phù hợp với từng địa bàn trong tỉnh; tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra các phòng giáo dục và đào tạo, các trường mầm non thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục;

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn và các hoạt động của bậc học giáo dục mầm non theo kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hàng năm;

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung kế hoạch giáo dục, thực hiện quy chế chuyên môn và các hoạt động giáo dục mầm non theo kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: phát động các phong trào thi đua nhằm nâng cao đạo đức nhà giáo, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; các cuộc thi, hội thi  theo quy định, công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; công tác bồi dưỡng thường xuyên, giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra việc bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi trong các trường mầm non; tham gia hội đồng cấp tỉnh thẩm định danh mục và hàng mẫu thiết bị dạy học mầm non khi có yêu cầu;

- Định kỳ, hàng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Thanh tra Sở thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về những nội dung liên quan và thanh tra chuyên ngành các trường mầm non; phối hợp với phòng Tổ chức - Hành chính chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non; phối hợp với Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện công tác khảo thí và kiểm định các trường mầm non theo quy định;

-Tham gia chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non;

-  Phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan tham gia theo dõi các hoạt động của các đề án, dự án, các chương trình có liên quan đến giáo dục mầm non;

- Tổng hợp đánh giá tình hình giáo dục mầm non qua từng thời kỳ và các năm học. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định;

- Tham gia phối hợp với các phòng Sở theo nhiệm vụ có liên quan;

- Thực hiện nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

3. Chức danh công chức của phòng

Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chuyên viên. Số lượng biên chế xác định theo vị trí việc làm./.

 

 

Văn bản mới Văn bản mới

 389/SGDĐT-TCHC: V/v triển khai thực hiện Thông tư số 1/2023/TT-BNV ngày 09 tháng 3 năm 2023 của Bộ Nội vụ
 382/SGDĐT-TCHC: V/v đảm bảo học sinh độ tuổi sinh năm 2004 đến sinh năm 2009 có thẻ Căn cước công dân phục vụ các kỳ thi tốt nghiệp
 39/KH-SGDĐT: Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 đối với các đơn vị trực thuộc của Sở Giáo dục và Đào tạo
 49/BC-SGDĐT:Báo cáo Kết quả tổ chức đối thoại và tình hình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lần 1 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo
 06/TB-HĐTD: Thông báo thời gian dự giảng dạy kỳ tuyển dụng viên chức (vòng 2)

Liên kết Liên kết