
>>>> TIN VẮN |
Chi tiết tin
Thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTENT) giai đoạn 2010 - 2015. Ngày 24/12/2010 UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc thực hiện công tác PCGDMNTENT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2010 – 2015. UBND tỉnh đã phát động các chuyên đề thi đua, hàng năm có tổng kết, khen thưởng nhằm tạo động lực thúc đẩy các cơ sở đẩy nhanh tiến độ hoàn thành PCGDMNTENT vào năm 2015.
1. Quá trình thực hiện
Từ năm 2010 đến năm 2020 công tác PCGDMNTENT được chia ra làm 2 giai đoạn như sau:
* Giai đoạn từ năm 2010- 2015
Xác định được tầm quan trọng của công tác PCGDMNTENT Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh Ủy, UBND tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường mầm non; xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển dụng giáo viên, nhân viên nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công tác PCGDMNTENT; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác phổ cập; tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác PCGDMNTENT; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá công tác phổ cập đồng thời rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thực hiện.
Sau một thời gian dài kiên trì phấn đấu đến tháng 12/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về kiểm tra và công nhận Tiền Giang đạt chuẩn PCGDMNTENT. Tiền Giang là tỉnh thứ 3 trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt chuẩn PCGDMNTENT trước 1 năm so với thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ GDĐT về kiểm tra công nhận Tiền Giang đạt chuẩn PCGDMNTNT
* Giai đoạn từ năm 2015- 2020
Phát huy những kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, trên cơ sở khắc phục những tồn tại và khó khăn trong thời gian qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo địa phương tiếp tục có những biện pháp để giữ vững tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tổ chức lớp học 2 buổi/ngày đạt 100%, đảm bảo phân công đủ giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, đảm bảo đủ phòng học và thiết bị ĐDĐC cho 100% lớp MG 5 tuổi. Thực hiện tốt việc báo cáo và khai thác dữ liệu PCGDMNTENT trên hệ thống thông tin điện tử quản lý PCGD -XMC theo phân cấp quản lý đạt hiệu quả.
2. Kết quả đạt được
Hiện nay toàn tỉnh có 186 trường mầm non (MN), mẫu giáo, tăng 28 trường so năm học 2010 - 2011 (trong đó có 170 trường MN công lập, tỉ lệ 91,4%; 16 trường MN ngoài công lập, tỉ lệ 8,6% và 117 nhóm trẻ tư thục).
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường có tăng dần theo từng năm. Năm học 2019 -2020 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 13,14%; trẻ mẫu giáo đạt 78.9%. Hàng năm tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt 100%. Số trẻ 5 tuổi ăn bán trú tại trường đạt 78.3%. 100% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ chế độ ăn trưa, được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, trẻ hoàn thành chương trình đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần của trẻ 5 tuổi đạt 98%, tỉ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi dưới 1%.
Năm 2010 toàn tỉnh còn 33 xã trắng chưa có trường MN, đến năm 2020 đã có 170/173 xã, phường, thị trấn có trường MN; còn 03 xã chưa có trường MN do dân số độ tuổi và quy mô số lớp tại các xã ít, chưa đủ điều kiện thành lập trường, phải ghép chung với xã bạn thành trường liên xã, cũng có trường hợp tại xã này đã có 01 điểm trường mầm non.
Công tác phát triển, đào tạo bồi dưỡng cho CBQL, GV các trường mầm non luôn được quan tâm, đảm bảo đủ về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng. Đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến về năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Các giáo viên mầm non được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định hiện hành. Toàn ngành có 3.074 GVMN, trong đó số GVMN đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 98.4%, tăng 7.2%; trên chuẩn 75.4%, tăng 41.2%. Giáo viên dạy lớp MG 5 tuổi đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 87.2%, tăng 55.8% so với năm 2010 - 2011.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường MN luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn. Trong 10 năm thực hiện đề án PCGDMNTENT, tỉnh đã đầu tư đảm bảo 100% phòng học được xây dựng theo hướng kiên cố, bán kiên cố. Tỉ lệ phòng học kiên cố chiếm 71.2% (1285/1804 phòng), tăng 25,7% so với năm học 2010 – 2011.Từ năm 2010 đến năm 2020 số phòng học được xây mới hoặc thay thế cho phòng học cũ đã xuống cấp là: 979 phòng học và phòng chức năng với tổng kinh phí xây dựng là 1.174.997 triệu đồng. Hiện tại toàn tỉnh có 162 phòng chức năng, tăng 142 phòng so với năm 2010; có 186 phòng hành chính quản trị, tăng 136 phòng so với năm 2010.
Các trường MN đều có công trình nước sạch và hệ thống thoát nước phù hợp, đảm bảo được vệ sinh môi trường cũng như có đủ nguồn nước sạch cho trẻ sử dụng, hiện tại đã có 1.245 công trình vệ sinh đạt chuẩn, tăng 494 công trình so với 2010 – 2011; có 183 bếp ăn một chiều, tăng 123 bếp, các bếp ăn trong nhà trường được xây dựng và đầu tư hệ thống thiết bị bán trú theo quy trình một chiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh có 84/186 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 45,1%, so với năm học 2010 - 2011 tăng 73 trường, tăng 38,4%.
Công tác xã hội hóa trong GDMN đã góp phần rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của phổ cập. Tổng số tiền xã hội hóa từ năm 2010-2020 là 78.825 triệu đồng. Năm học 2019 - 2020 các trường MN nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và Ban đại diện cha mẹ trẻ em đã đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, ĐDĐC phục vụ tương đối đầy đủ cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Các trường MN đã vận động cha mẹ trẻ, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí 17.050 triệu đồng. Đến nay các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được trang bị, mua sắm tương đối đầy đủ các đồ dùng, thiết bị, đồ chơi tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.
Tổng kinh phí thực hiện phổ cập GDMNTENT từ năm 2010 - 2020 là 3,412,874 triệu đồng. Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non/tổng ngân sách cho giáo dục của tỉnh là 19.7%.
3. Định hướng phát triển công tác phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo 5 tuổi, 4 tuổi trong thời gian tới
Trong thời gian tới Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMNTENT, tiến tới thực hiện PCGDMN trẻ 4 tuổi cụ thể như sau:
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách phát triển MN giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; có biện pháp duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMNTENT, tiến tới thực hiện PCGDMN trẻ 4 tuổi.
Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục mầm non. Phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường/lớp mầm non, đảm bảo trường, nhóm lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn.
Tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ, quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, bổ sung đầy đủ 100% các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các nhóm, lớp.
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình GDMN. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cơ sở GDMN.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GVMN đủ về số lượng, đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi để thực hiện chương trình GDMN bảo đảm chất lượng và đạt hiệu quả theo xu thế phát triển.
Đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non, tiếp tục thực hiện những giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình GDMN; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng đối với trẻ MN thông qua chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với giáo dục phát triển vận động.
Phấn đấu tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho GDMN từ 15% đến 20% và mức chi bình quân/trẻ đạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/trẻ/năm học.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong phát triển nguồn nhân lực; tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền về phát triển GDMN của tỉnh trong thời gian tới./.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng Trang (Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tiền Giang)







Văn bản mới


Liên kết
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |
