
>>>> TIN VẮN |
Chi tiết tin
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng và ngày càng khang trang… đó là những kết quả phấn khởi, đáng tự hào mà ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đạt được trong năm học 2018 – 2019. Bước sang năm học 2019 – 2020, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm học qua, toàn ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, củng cố và đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện đổi mới GD-ĐT góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương.
Trường Nguyễn Đình Chiểu hôm nay (Ảnh: Minh Trí)
NHIỀU KẾT QUẢ PHẤN KHỞI
Năm học 2018 -2019 đây là năm học có ý nghĩa quan trọng, là năm thực hiện triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo GD-ĐT; tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà hệ thống trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 186 trường mầm non, 215 trường tiểu học, 124 trường THCS và 38 trường THPT. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 264 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó bậc học mầm non 64 trường, Tiểu học 144 trường, THCS 46 trường, THPT 10 trường. Toàn tỉnh có 564/565 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên hoàn thành công tác tự đánh giá, đạt tỉ lệ 99,8%. Toàn tỉnh có 351/565 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, tỉ lệ 62,1%.
Công tác chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên cũng được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn từng bước được nâng lên.
Nhờ thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp trong GD-ĐT mà chất lượng học sinh ngày càng nâng lên rõ rệt. Số lượng học sinh yếu từng bước được kéo giảm, số lượng và chất lượng học sinh giỏi từng bước được nâng lên rõ rệt. Trong năm học vừa qua, Tiền Giang có 8 học sinh giỏi cấp Quốc gia ở các bộ môn văn hóa và 336 học sinh THPT được công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn và ở nhiều cuộc thi khác, học sinh Tiền Giang cũng đạt được rất nhiều giải cao. Năm 2019, toàn tỉnh có 12.882/13.378 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT (tỷ lệ 96,29%).
Các cuộc vận động và phong trào thi đua đã được các cơ sở giáo dục tích cực thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả; việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội và nhà trường tham gia, gắn kết nội dung cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả…
NHIỀU GIẢI PHÁP THIẾT THỰC
Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục tỉnh nhà sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; thực hiện xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo NGƯT Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục đã đề ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản. Theo đó, 9 nhiệm vụ được đưa ra là: Một là, rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo GD-ĐT. Hai là, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý. Ba là, đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Bốn là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cơ sở giáo dục. Sáu là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT. Bảy là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục. Tám là, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện 9 nhiệm vụ thì ngành giáo dục đã đưa ra 5 giải pháp chính. Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo. Hai là, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các trường. Ba là, tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục. Bốn là, đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, và cuối cùng là, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục./.
Công Nguyên







Văn bản mới


Liên kết
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |
