Truy cập nội dung luôn

>>>> TIN VẮN

Chủ đề năm học 2022-2023: "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"

Chi tiết tin

Tư liệu tham khảo giáo dục địa phương: Tìm hiểu địa danh Thuộc Nhiêu
10/03/2020 - Lượt xem: 2478

Thuộc Nhiêu thuộc xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Đơn vị hành chánh (Thuộc) + Tên người (Nhiêu). Đây là đơn vị hành chánh do ông Cai thuộc Nguyễn Văn Nhiêu đứng đầu.

Chợ Thuộc Nhiêu trên bản đồ của google.com/maps (Ảnh chụp từ màn hình Trang google.com/maps)

 

+ Thuộc: là đơn vị hành chánh vào lúc mới khẩn hoang ở Nam bộ trong các thế kỷ XVII, XVIII, dưới cấp huyện, trên cấp thôn/xã. Theo quyển Địa chí Tiền Giang tập 1 (2005), năm 1779, dinh Trường Đồn được thành lập; gồm có 1 huyện là huyện Kiến Khương và 3 thuộc:

- Thuộc Kiến Hưng (tương ứng với huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay);

- Thuộc Kiến Hoà (tương ứng với huyện Chợ Gạo và xứ Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày nay);

- Thuộc Kiến Đăng (tương ứng với huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang; Cao Lãnh, Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

+ Về ông Nguyễn Văn Nhiêu: Theo lời kể của dân gian, khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Văn Hoài từ miền Trung di cư vào Nam sinh sống. Ông là người lập ra thôn Tân Đức Đông (nay thuộc xã Dưỡng Điềm); và được dân làng tôn làm tiền hiền; đồng thời, tên của ông được đặt cho một gò cát ở đây: gò Ông Hoài, tức Hoài cương được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Con của ông là Nguyễn Văn Nhiêu từng giữ chức Cai thuộc nên được gọi là Thuộc Nhiêu.

Chợ Thuộc Nhiêu (Ảnh: N.P.N)

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Cai đội Nguyễn Văn Lữ (tục gọi là Cai Lữ) vào khai khẩn và lập thôn Bình Thuyên (nay thuộc xã Nhị Bình) ở kế bên thôn Tân Đức Đông. Hai ông Cai Lữ và Thuộc Nhiêu ở hai làng kề nhau đã kết tình thông gia; nhưng sau đó thì không còn hòa thuận, bởi vì ông Thuộc Nhiêu mua đất của thôn Bình Thuyên nhập vào thôn Tân Đức Đông. Do vậy, diện tích của thôn Bình Thuyên bị hẹp dần. Để phòng ngừa việc mất thêm đất, ông Cai Lữ bèn cho người dỡ đình và chùa đem xây cất ở đầu làng. Đồng thời, ông lại cho đào một con kinh đổ ra rạch Gầm gọi là rạch Cùn để làm ranh giới tự nhiên giữa hai thôn. Ông Cai Lữ nghĩ rằng, ông Thuộc Nhiêu không thể nào dám vượt kinh rạch, mua cả đình và chùa của thôn Bình Thuyên để nhập vào thôn Tân Đức Đông.

Tuy nhiên, ông Thuộc Nhiêu lại có nước cờ cao hơn, bằng cách cho lập một cái chợ: chợ Thuộc Nhiêu ở bên bờ rạch Cùng mà ông Cai Lữ đã tổ chức đào trước đó. Theo tác giả Trương Ngọc Tường trong bài Một số địa danh ở Tiền Giang, chợ Thuộc Nhiêu được lập vào đời vua Gia Long (1802-1819) [1]. Ông Thuộc Nhiêu đã dựa vào con rạch này để chuyển hàng hóa vào chợ. Nhờ vậy, hàng hóa vận chuyển vào chợ dễ dàng hơn, không cần phải qua bến Dựa như trước kia, vốn xa và tốn kém hơn. Do đó, nhân dân ở vùng này lưu truyền câu phương ngữ: “Mưu sự như ông Thuộc Nhiêu, cực nhọc như ông Cai Lữ” hayGiàu có như ông Cai Lễ [2], mưu sự như ông Thuộc Nhiêu”.

+ Thuộc Nhiêu là vùng đất mà nhà thơ trào phúng nổi tiếng Học Lạc định cư và sinh sống bằng nghề bốc thuốc. Tại đây, ông đã sáng tác bài thơ “Tức cảnh Thuộc Nhiêu” để ca ngợi cảnh trí thiên nhiên ở một vùng quê hiền hòa và xinh đẹp:

Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng,

Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngóng trông.

Đường thẳng ngựa bon chân sải bước,

Rạch Cùng cá lội mến quên sông.

Trường văn giỏi kẻ thêu rồng cọp,

Miễu võ thờ tay chí bá tòng.

Cứng cát thú quê vui tục cũ,

Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không.

Cũng tại Thuộc Nhiêu, Học Lạc có bài thơ “Tiễn bạn” đầy xúc cảm khi Nguyễn Liêng Phong, tác giả của hai quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn caĐiếu cổ hạ kim thi tập, đến thăm ông và được nhà thơ trào phúng tiễn đưa ra Rạch Gầm:

Le the một cụm Thuộc Nhiêu giồng,

Chân bước ra đi mắt lại trông.

Chỉ nhện lăng nhăng, cò vướng cánh,

Bãi lau lẩn quẩn, cá quen sông.

Tấm lòng qua lại cầu Bà Bế [3],

Khúc ruột quanh co rạch Lão Tòng[4].

Hai chữ tương tư đây nặng gánh,

Nước non thăm thẳm biết hay không.

+ Thuộc Nhiêu còn là quê hương của một giống heo một thời nổi tiếng: heo Thuộc Nhiêu. Theo quyển Bảo tồn nguồn gen vật nuôi Việt Nam (tập 1) của GS Lê Viết Ly (chủ biên), heo Thuộc Nhiêu thuộc lớp động vật có vú (Mammalia), bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ Suidae, chủng Sus, loài Sus domesticus, nhóm giống Thuộc Nhiêu. Heo Thuộc Nhiêu là giống heo lai giữa heo ngoại với heo nội được hình thành từ hàng trăm năm trước đây và được phát triển trong sản xuất ở nhiều vùng. Đầu tiên là con lai giữa heo địa phương với heo Tàu mà người Hoa đưa vào Việt Nam từ những năm 1900, những con lai này tiếp tục lai với heo Crannais do người Pháp mang vào đầu những năm 1920, sau đó những con lai lại tiếp lục lai với lợn Yorshire hình thành nên giống heo Thuộc Nhiêu.

Theo quyển Địa chí Tiền Giang tập 2 (2007), vào khoảng năm 1930, chính quyền Pháp tỉnh Mỹ Tho cho lập tại Thuộc Nhiêu một trại heo giống do Thú y trưởng Trương Tấn Ngọc quản lý. Trại này chuyên nuôi heo nọc, heo nái và sản xuất heo con thuộc giống heo Thuộc Nhiêu để cung cấp cho người chăn nuôi. Trong các cuộc đấu xảo (triễn lãm) tại những hội chợ nông nghiệp và lễ hội Kỳ yên, giống heo này đạt được nhiều giải thưởng. Heo Thuộc Nhiêu thích nghi ở vùng nước ngọt, khác với heo Ba Xuyên vốn thích nghi ở vùng nước mặn.

Lợn Thuộc Nhiêu ở Bến Tre  (Nguồn: vi.wikipedia.org/)

Heo Thuộc Nhiêu có màu lông da trắng tuyền, một số có bớt đen nhỏ, thường ở quanh mắt, một số nhỏ có da bông đen trắng, lông trắng hoặc da bông đen trắng, lông đen trắng. Đầu to vừa, mõm hơi cong, mũi thẳng thon, tai nhỏ, ngắn, hơi nhô về phía trước. Đa số heo có thân hình vuông, thấp, lưng hơi oằn, mông vai nở, chân thấp, yếu, đi ngón, móng xoè, đuôi ngắn. Giống heo này chịu đựng được điều kiện chăn nuôi kham khổ, có khả năng sử dụng tốt thức ăn nghèo protein, nuôi con khéo, chống chịu bệnh tốt, phù hợp với chăn nuôi gia đình. Với việc gia tăng máu ngoại thông qua lai với heo Yorkshire đực, heo Thuộc Nhiêu ngày càng có ngoại hình thiên về heo Yorkshire. Do đó, heo Thuộc Nhiêu cho tỷ lệ thịt khá cao, xấp xỉ một số giống heo ngoại đã nhập vào nước ta. Đặc biệt, heo Thuộc Nhiêu nuôi chóng lớn. Vì thế, từ Thuộc Nhiêu, giống heo này được nhân rộng ra, nuôi nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí cả một số tỉnh Nam Trung bộ. Sau năm 1975, do áp lực của thị trường và với chủ trương tạo giống heo Yorkshire Việt Nam, heo Thuộc Nhiêu được lai cấp tiến với heo đực Yorkshire (qua thụ tinh nhân tạo) và hiện nay hình bóng con heo Thuộc Nhiêu hầu như không còn nữa./.

TS. Nguyễn Phúc Nghiệp

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Trương Ngọc Tường, “Một số địa danh ở Tiền Giang”, Tiền Giang bước vào thế kỷ 21, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001, trang 49.

[2] Ông Cai đội Ngô Tấn Lễ khai hoang vùng đất Cai Lậy.

[3] Cầu Bà Bếp thuộc xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh TG.

[4] Rạch Lão Tòng còn gọi là rạch Thầy Tùng ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh TG.

 

Tương phản
Đánh giá bài viết(0/5)

Văn bản mới Văn bản mới

VĂN BẢN MỚI
 389/SGDĐT-TCHC: V/v triển khai thực hiện Thông tư số 1/2023/TT-BNV ngày 09 tháng 3 năm 2023 của Bộ Nội vụ
 382/SGDĐT-TCHC: V/v đảm bảo học sinh độ tuổi sinh năm 2004 đến sinh năm 2009 có thẻ Căn cước công dân phục vụ các kỳ thi tốt nghiệp
 39/KH-SGDĐT: Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 đối với các đơn vị trực thuộc của Sở Giáo dục và Đào tạo
 49/BC-SGDĐT:Báo cáo Kết quả tổ chức đối thoại và tình hình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lần 1 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo
 06/TB-HĐTD: Thông báo thời gian dự giảng dạy kỳ tuyển dụng viên chức (vòng 2)

 

Liên kết Liên kết

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập:
-
Hôm nay:
-
Tuần hiện tại:
-
Tuần trước:
-
Tháng hiện tại:
-
Tháng trước:
-
Tổng lượt truy cập:
-
Natural Natural Natural Natural Natural Natural
​​