Truy cập nội dung luôn

>>>> TIN VẮN

Chủ đề năm học 2022-2023: "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"

Chi tiết tin

Nhà lưu niệm Sơn Nam: Nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về “Ông già Nam Bộ”
13/07/2019 - Lượt xem: 4556

Nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc tại Ấp 4, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được xây dựng vào năm 2009. Hiện nay, nhà lưu niệm lưu giữ nhiều tư liệu quý về“ông già Nam Bộ”. Đây còn là một địa điểm rất thuận tiện để bạn đọc ghé thăm nơi lưu giữ tâm hồn của nhà văn Sơn Nam, một nhà văn tài năng của đất Nam Bộ.

Nhà lưu niệm Nhà văn Sơn Nam (Ảnh: Lê Văn, A Khuê​)

1. Vài nét về nhà văn Sơn Nam

Sơn Nam (1926-2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11/12/1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Nhà văn Sơn Nam được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam Bộ”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”. Năm 1999, nhà văn nhận giải Mai vàng cho Nhà văn xuất sắc với tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” (tập 2 và 3 Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 1999).

Nhà văn Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam Bộ. Ông không những là một nhà văn, mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam Bộ học, một nhà văn hóa về đất và người phương Nam từ thời khẩn hoang. Chính điều này đã làm nên hiện tượng “độc nhất vô nhị” trên văn đàn Việt Nam: những gì nhà văn Sơn Nam viết ra rất được người bình dân yêu thích. Trong bài viết “Sơn Nam – Nhà Nam Bộ học” (2013), tác giả Huỳnh Công Tín cho rằng: Nhà văn Sơn Nam là người am hiểu nhiều vấn đề Nam Bộ; biết rõ tâm lí, tính cách con người Nam Bộ. Các sáng tác của ông đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu những vấn đề Nam Bộ từ nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, lễ hội, phương ngữ, ngành nghề... Tôi kính trọng nhà văn Sơn Nam không chỉ ở văn nghiệp đồ sộ mà còn ở tính cách con người Nam Bộ bình dị, hòa đồng và tấm lòng biết nâng đỡ thế hệ đi sau (Dẫn theo Huỳnh Công Tín (2013), “Sơn Nam - Nhà Nam Bộ học”, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/2423-huynh-cong-tin-son-nam-nha-nam-bo-hoc.html, trích đọc ngày 24 tháng 5 năm 2019).

Những năm gần đây, tác phẩm của nhà văn Sơn Nam liên tục được tái bản như: Chuyện xưa tích cũ (2 tập -1958), Nguyễn Trung Trực: Anh hùng dân chài (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang (1960), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1963), Vọc nước giỡn trăng (1965), Hai cõi u minh (1965), Nói về miền Nam (1967), Truyện ngắn của truyện ngắn (1967), Vạch một chân trời (1968), Xóm Bàu Láng (1968), Người Việt có dân tộc tính không? (1969), Bà Chúa Hòn (1970), Đồng bằng sông Cửu Long (1970), Trời nước bao la (1970), Thiện Địa Hội và cuộc minh tân (1971), Gốc cây - cục đá và ngôi sao (1973), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973), 26 truyện ngắn (1987), Tục lệ ăn trộm (1987), Người Sài Gòn (1990), Gia Định xưa (1990), Bến Nghé xưa (1991), Theo chân người tình (1991), Một mảnh tình riêng (1992), Dạo chơi (1994) và Hồi ký Sơn Nam (2005)…

Mặc dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhiều tác phẩm của nhà văn Sơn Nam nhưng vẫn có sức hút mãnh liệt đối với bạn đọc, thậm chí với những độc giả ngoài nước. Nhân dịp 10 năm nhà văn Sơn Nam rời cõi trần (13/08/2008 - 13/08/2018), nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được tái bản, có biên tập, bổ sung chỉnh sửa, đồng thời tổ chức chương trình “10 năm nhớ Sơn Nam” để nhớ về “Ông già Nam Bộ”.

Một học giả người Pháp, PGS.TS. Pascal Bourdeaux thuộc Viện viễn đông Bác cổ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một buổi báo cáo tại Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 15/01/2015) với chủ đề: “Sơn Nam - hay tính đối ngẫu của một tác phẩm”. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Pascal Bourdeaux quan tâm đến đặc tính sáng tác trong tác phẩm của Sơn Nam. Sơn Nam là lối vào để giúp cho những ai muốn tìm hiểu về văn minh sông nước ĐBSCL. Trong giai đoạn 2004 - 2005, tác giả cho hay đã có dịp gặp gỡ Sơn Nam nhiều lần khi ông còn trọ thư viện Gò Vấp. Pascal Bourdeaux cho có mấy ý kiến đáng quan tâm như sau: Sơn Nam là pho từ điển về đồng bằng sông Cửu Long; Sơn Nam có phương pháp làm việc theo kinh nghiệm và trải nghiệm là chủ yếu, ông không làm việc theo phương pháp khoa học. Trong lĩnh vực sáng tác thì truyện ngắn chính là lĩnh vực sáng tác rất đặc sắc của Sơn Nam. Sơn Nam đã tạo ra một số từ mới trong văn hóa Nam bộ mà vẫn được sử dụng đến hôm nay. Như vậy, những đóng góp của nhà văn Sơn Nam cho sáng tác văn học, nghiên cứu và sưu tầm cũng như phong cách sáng tác, kinh nghiệm làm việc, bước đầu đã được nhà nghiên cứu hàn lâm quan tâm.

2. Khái quát nhà lưu niệm Sơn Nam

Sau khi nhà văn Sơn Nam qua đời, chị Đào Thúy Hằng đã xây dựng một khu lưu niệm cha mình trên khuôn viên rộng 1500 m² bên bờ kênh Bảo Định. Chị Đào Thúy Hằng chia sẻ: “Đầu tiên, chúng tôi ngắm được miếng đất này và phải mua lại từ tay của 6 người chủ xung quanh rồi tập hợp lại mới có không gian khá thoáng đãng như hiện nay.  Nhà tưởng niệm được chúng tôi chăm chút từng tí một từ khi nó còn đang xây dựng. Chúng tôi đã đổ nhiều tâm huyết nó mới ra cái hình thù như ngày nay. Nơi đây được gia đình dùng làm nơi hương khói cho ông, đồng thời cũng để những người yêu mến ông có thể ghé thăm nhà văn. Hiện nay, nhà lưu niệm này là nơi lưu giữ khá đầy đủ di sản tinh thần quý giá của nhà văn. Nơi đây đã trở thành địa chỉ văn hóa hết sức tự hào của nhân dân Tiền Giang và cả Nam Bộ.

Con gái đầu lòng của nhà văn là chị Đào Thúy Hằng vốn rất thương cha và cũng rất thích đọc những tác phẩm của cha mình ngay từ thuở nhỏ. Trong dòng hồi tưởng về cha mình, chị Đào Thúy Hằng bùi ngùi nhớ lại:  Năm 1954, ba tôi rời Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) đi Sài Gòn làm báo, viết văn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ tôi (bà Đào Thị Phán) phải đùm túm tôi và em gái Đào Thúy Nga lên Sài Gòn dạy học. Từ đó, gia đình thất lạc nhau. Ngày nọ, tôi theo mẹ đến trường, vừa bước lên xe buýt, giật mình thấy ba bước xuống xe. Tôi thảng thốt gọi “Ba!”, còn ông ngỡ ngàng chỉ kêu được tiếng “Trời...” rồi ông quay lên xe. Ông trốn tránh sự truy bắt những người kháng chiến cũ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao chị em tôi phải mang họ mẹ. Khoảng năm 1958, ba tôi đưa gia đình về thành phố Mỹ Tho sinh sống, không muốn vợ con liên lụy. Từ Sài Gòn về Mỹ Tho có đường xe lửa dễ thăm viếng. Tôi còn nhớ tiếng còi xe lửa vào mỗi chiều thứ Bảy, sau đó 10 phút ba xuất hiện trên xích lô từ vườn hoa Lạc Hồng về nhà. Có gì lạ cũng mua cho các con ăn “Để chúng nó khỏi nhà quê”. Nhưng rồi cũng không tránh khỏi, ba tôi bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi từ năm 1961 đến 1962. Rồi sau đó năm 1974, ông lại bị bắt giam lần nữa đến ngày hòa bình.

Các tác phẩm của Nhà văn Sơn Nam được trưng bày trong Nhà lưu niệm  (Ảnh: Lê Văn, A Khuê)

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam chỉ thích sống một mình nay đây mai đó, cơm hàng cháo chợ, trong các khu nhà trọ bình dân chật hẹp khắp các hóc hẻm Sài Gòn. Nhà văn sống vậy là theo sở thích dân dã của ông và vì ông không muốn làm phiền con cháu hay bất kỳ một ai khác. Từng có một vài người giàu có muốn rước nhà văn Sơn Nam về phụng dưỡng nhưng ông đều từ chối. “Ông già Nam bộ” cũng được các doanh nhân ái mộ, có doanh nghiệp mở ra quán cà phê mang tên Sơn Nam, đem sách vở của ông về đó trưng bày, dành sẵn một bàn cà phê cho ông ngồi uống miễn phí để thu hút khách, nhưng ông có ngồi đâu vì giá cà phê của quán không bình dân, khách quen của ông không đến thì dù cho có miễn phí ông cũng không màng. Có lẽ, Sơn Nam thích cuộc sống tự do một mình, thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, đang viết thấy trời nóng thì cởi áo mặc quần đùi ngồi bên máy đánh chữ, có hứng thì lọc cọc gõ thâu đêm đến tận trời sáng, mỏi lưng thì nằm trên nền nhà hay trên ghế xép… không phiền đến ai.

Nhà lưu niệm Sơn Nam được anh Trần Đức Nghị (người con rể đầu của nhà văn Sơn Nam, cháu đời thứ 13 của Cống quận công Trần Đức Hòa) và chị Đào Thúy Hằng (trưởng nữ của nhà văn Sơn Nam) khởi công xây dựng năm 2009 nằm kề bên cống Bảo Định, một địa điểm có thể nói là đẹp nhất của dòng sông Bảo Định. Bộc bạch về ý tưởng xây dựng công trình, anh Trần Đức Nghị cho biết: “Ba tôi là nhà văn, là thần tượng của con cái. Thời trẻ mải lo kế sinh nhai, tôi ít đọc tác phẩm của ông. Tuy nhiên sau đó, nhà giáo Đinh Công Tâm dày công sưu tập tác phẩm của ông, tôi giật mình thấy quá đồ sộ, sức viết của ba thật kinh khủng. Tôi nhận ra hồn Nam Bộ trong từng tác phẩm của ba qua những con chữ bình dị, cà rỡn như người Nam Bộ mà sâu sắc đến lạ lùng. Nếu không có nhà lưu niệm thì trước đà công nghiệp hóa sẽ mai một. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm xây dựng khu lưu niệm cho ông. Kiến trúc nhà lưu niệm này do gia đình tham khảo ý kiến của nhiều kiến trúc sư, đồng thời kết hợp với sáng kiến của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên khi đi vào thiết kế, trang trí nhà lưu niệm và tạo cảnh quan xung quanh rất khó vì ông vốn là người sống giản dị, có phần dễ dãi, xuề xòa. Vì vậy, gia đình phải cân nhắc thận trọng từng chi tiết khi tạo không gian, cũng như cách bài trí nhà lưu niệm cho phù hợp với tính cách của Sơn Nam.

Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam khởi công từ tháng 6/2009, khánh thành đúng vào ngày giỗ đầu 23/8/2010. Công trình được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống Nam Bộ 3 gian, mái lợp ngói, gồm gian thờ và nghi thức; gian trưng bày các tác phẩm, hiện vật của nhà văn và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà văn. Kết cấu ngôi nhà được xây dựng chắc chắn, mái tứ giác, rui mè bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ. Vật liệu xây dựng gồm loại gạch thẻ, chịu lực cao, cửa chính, cửa sổ đều làm bằng gỗ gõ đỏ, khung gỗ căm xe. Ngôi nhà thiết kế sân vườn với đế móng bằng đá ong, đường dẫn vào nhà từ ngoài sân cho đến thềm được sắp xếp lạ mắt, mô phỏng theo hình bán đảo Cà Mau, gồm 82 khối đá, tượng trưng cho số tuổi thọ của nhà văn. Chị Đào Thúy Hằng giải thích: “Những khối đá tổ ong đã được ông xã tìm mua từ tỉnh Bình Định đưa về muốn tỏ tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ của người con rể, đồng thời là độc giả trung thành dành tặng cho nhà văn”. Đường biên cho mô hình là bản đồ vùng đất Nam Bộ.

Phía trước, bên trái là phù điêu đá tạc chân dung Sơn Nam do họa sĩ Nguyễn Sánh thực hiện (Điểm nhấn của không gian Khu lưu niệm chính là bức tượng nhà văn Sơn Nam của điêu khắc gia Nguyễn Sánh thực hiện. Điêu khắc gia Nguyễn Sánh cũng là người đã tạc bức tượng nhà văn Sơn Nam đặt tại phần mộ của ông ở Hoa viên Chánh Phú Hòa, Bình Dương), bên phải là một bức đá chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ “Hương rừng Cà Mau” bất hủ. Phía trước là đồi cỏ đậu phộng hoa vàng bên dòng Bảo Định. Ven sông có khoảnh cây sú, vẹt (đặc trưng vùng Cà Mau, Rạch Giá), tre, bần và dừa nước đặc thù Nam Bộ. Trong nhà lưu niệm có hàng trăm cuốn sách, thủ bút của nhà văn cũng như nhiều hình ảnh, tác phẩm hội họa thư pháp và kỷ vật gắn bó với ông. Đặc biệt là chiếc máy đánh chữ ông dùng để sáng tác. Nơi đây còn trưng bày rất nhiều kỷ vật của nhà văn như: chiếc áo sờn, đồng hồ đeo tay, mắt kiếng, viết bic… Gian chính ngôi nhà là chiếc bàn thờ giản dị cùng chiếc tủ trưng bày chân dung nhà văn Sơn Nam qua ảnh chụp cũng như hình ký họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, kỷ vật của gia đình nhà văn ở Miệt Thứ (Kiên Giang): cục gạch lót nền, cái ché bằng đất nung, bàn ủi lá sen, đèn bão, đầu sơn dương, hình ảnh, thư từ xưa. Xung quanh khu lưu niệm được trồng nhiều cây cảnh, hoa và những tiểu cảnh như ao hoa súng trắng, cầu khỉ… thu hút rất nhiều khách du lịch, nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan.

Chị Đào Thúy Hằng cho biết: Để nhà lưu niệm có thêm được nhiều hiện vật phong phú, tôi cùng chồng (anh Trần Đức Nghị) và cô em gái Đào Thúy Liễu đã trở về U Minh Thượng tìm cho được chiếc đèn dầu “trứng vịt” để khi Nhà lưu niệm hoàn thành sẽ thắp trên bàn thờ ông cho ấm cúng. Đồng thời cũng lần tìm về quê cũ của ba tôi tại An Biên, thành phố Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) để tìm từng lá thư cũ của gia đình dòng họ. Sau những lần về quê ấy, gia đình chúng tôi lỉnh kỉnh gom góp được từ cái bàn cũ kỹ, mấy viên gạch thẻ vẫn còn đỏ au, cái ché, chậu bông. Đây là những kỷ vật mà một thời ba tôi đã gắn bó với chúng. Hiện nay tất cả những kỷ vật này đều được trở về với khu lưu lưu niệm gồm hàng trăm hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ba tôi. Điều đáng trân trọng là khi biết tin nhà lưu niệm được xây dựng đã có rất nhiều độc giả và những người yêu mến ba tôi tự nguyện góp tặng lại cho gia đình những kỷ vật mà họ đang lưu giữ. Đặc biệt, thầy Đinh Công Tâm (Quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) đã tặng lại cho gia đình toàn bộ các tác phẩm cũng như những bài viết về Sơn Nam mà ông đã sưu tầm và cất giữ hơn nửa thế kỷ qua… Ngoài ra, Nhà xuất bản Trẻ cũng gửi tặng nhiều bộ sách bìa cứng, ba bộ bìa mềm. Họa sĩ Lê Minh tặng tranh sơn dầu chân dung nhà văn. Nhà điêu khắc Nguyễn Sánh tạc tượng. Tạp chí Xưa và Nay tặng tượng đồng. Bức liễn và bức thư pháp “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (Hương rừng Cà Mau)…”.

Nói về tâm nguyện của mình, anh Trần Đức Nghị cho biết thêm: Chúng tôi muốn lưu giữ giá trị tinh thần mà ba đã để lại để phục vụ cho cộng đồng. Nếu là người có tinh thần ấy, muốn làm cho nhà lưu niệm phong phú hơn, chúng tôi chân thành cảm ơn! Chúng tôi lúc nào cũng mở cửa đón nhận bạn bè, thân hữu, người hâm mộ và cả những ai quan tâm đến di sản tinh thần của nhà văn Sơn Nam. Ban đầu chỉ tính làm nhà lưu niệm. Nhưng bạn bè ba ghé thăm muốn ngủ với ổng một đêm lấy chỗ đâu. Vì thế tôi làm cả phòng ngủ, các tiện nghi sinh hoạt để phục vụ mọi người đến với ba tôi… Từ ngày lập khu lưu niệm bố vợ, hình như cụ sống khôn thác thiêng đã phù hộ cho vợ chồng tôi rất nhiều, làm việc gì cũng thành công!.

Việc xây dựng nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam là việc làm hết sức cần thiết thể hiện ý chí, nguyện vọng của gia đình nhà văn nói riêng và nhân dân Tiền Giang nói chung trong việc giữ gìn, lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp (Nguyên Trưởng khoa Khoa học xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang) cho rằng: Tròn sáu mươi năm cầm bút, Sơn Nam đã tiếp nối xứng đáng truyền thống văn xuôi Nam Bộ qua những sáng tác văn chương và công trình biên khảo có giá trị đặc sắc. Khu lưu niệm nhà văn Sơn Nam là ước vọng từ lâu không những đối với con cháu nhà văn tại Mỹ Tho mà còn của nhiều người dân Tiền Giang. Đúng với tinh thần khi xây dựng nhà lưu niệm, nơi đây đã trở thành điểm dừng chân, tưởng nhớ “ông già Nam Bộ” của nhiều độc giả mến mộ ông. Đặc biệt, vào dịp lễ giỗ ông hằng năm, có rất nhiều đoàn văn nghệ sĩ đến viếng và thắp nhang tưởng niệm. Sổ lưu niệm tại khu lưu niệm luôn ăm ắp những tình cảm của các văn nghệ sĩ và độc giả mến mộ khắp cả nước dành cho “ông già Nam Bộ”.  Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên cũng tìm đến đây để check-in bởi khung cảnh đẹp và thơ mộng…

Thầy Phan Tấn Ngọc (Giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Sơn Nam là nhà văn nổi tiếng của Nam Bộ. Ông đã sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch và được nhiều người yêu mến gọi là “ông già Nam Bộ”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay “nhà Nam Bộ học”. Ông là người am hiểu văn hóa Nam Bộ nhất trong các nhà văn viết về Nam bộ từ trước đến nay. Vì vậy, tôi thường khuyến khích học sinh của trường đến tham quan nhà lưu niệm Sơn Nam. Nhà lưu niệm là nơi lưu giữ khá đầy đủ di sản tinh thần quý giá của nhà văn. Đó là một gia tài đồ sộ từ văn chương, báo chí cho đến nghiên cứu văn hóa, trong đó có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Ngoài ra, chúng ta sẽ còn cảm nhận được không khí của một miền quê Nam Bộ thanh bình và cái hồn của những trang văn Sơn Nam.

Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tổ chức khảo sát để thiết kế tuyến du lịch mới từ Mỹ Tho đến huyện Chợ Gạo. Tuyến du lịch này qua đoạn đường dài khoảng 40 km có 3 điểm nhấn quan trọng: Thăm khu lưu niệm của cố nhà văn Sơn Nam; tham quan di chỉ khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo và trải nghiệm cùng nông dân trồng thanh long, thưởng thức thanh long Chợ Gạo và nghe nhạc tài tử tại vườn. Tuyến du lịch mới sẽ khởi hành tại Mỹ Tho, sau đó tới nhà lưu niệm Sơn Nam tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và các kỷ vật gắn liền với cuộc đời lừng lẫy của “ông già Nam Bộ”. Sau đó, du khách sẽ tới huyện Chợ Gạo tham quan di chỉ khảo cổ Gò Thành và vườn thanh long đặc sản của Tiền Giang.

3. Những dòng tưởng niệm của bạn đọc về nhà văn Sơn Nam

Hiện tại, nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và nghiên cứu. Cũng tại đây, nhiều bạn bè văn nghệ sĩ, gia đình, người thân và đọc giả đã có những trang viết về nhà văn Sơn Nam:

Đáng chú ý trong sổ tang viếng nhà văn Sơn Nam năm 2008, nhà thơ Đỗ Trung Quân ghi: “Vĩnh biệt ông già, bình an ông già ơi!”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Vô cùng thương tiếc nhà văn Sơn Nam, người anh cả của của thế hệ cầm bút sau năm 1975”. Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết  bộc bạch: “Sơn thủy hữu tình “Hương rừng Cà Mau” ngát hương/ Nam thương kiệt xuất trí tài uyên bác ngàn thu”. Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng viết: “Tôi muốn kéo mây đi cho khung trời khỏi chật/ Và rút hết sợi mưa cho trăng sáng thế gian buồn/ Nhả hết đắng cay cho lệ khỏi sầu tuôn/ Và nhốt hết tử thần cho người đời luôn sống mãi”. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì ghi: “Vậy là từ nay, văn đàn miền Nam vắng bóng dáng hình quen thuộc của ông. Từ nay tôi và đồng nghiệp trẻ khác mất đi một cuốn từ điển sống về Nam Bộ”. Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam) nhận xét: “Sơn Nam là một nhà văn xuất sắc, nhà khảo cứu tài năng đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho đất nước. Một tấm gương lao động văn học đáng kính, gắn bó mật thiế t với đời sống của nhân dân, mang bản sắc Nam Bộ đặc sắc”.

GS.TS. Trần Văn Khê viết: “Trong suốt cuộc đời anh Sơn Nam đã đem văn hóa miền Nam nước Việt đến với bao nhiêu người trong và ngoài nước. Sự ra đi vĩnh viễn của anh làm cho bộ từ điển sống cho thư viện về văn hóa miền Nam không còn nữa và chưa thấy ai có thể thay thế anh được. Thương tiếc anh vô vàn , biết rõ là dầu anh không còn ở trên đời này ,nhưng việc làm của anh, sự nghiệp tinh thần của anh còn lưu mãi trong lòng của người dân nước Việt”.

TS. Ngô Tấn Lực (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang) cho rằng: “Nhà văn Sơn Nam, được mệnh danh là “Ông già Nam Bộ” nổi tiếng với những tác phẩm viết về vùng đất phương Nam. Cả cuộc đời ông dành tâm trí cho mảnh đất này rồi cần mẫn viết ra 10 đầu sách đủ loại từ biên khảo đến văn học. Nhà văn Sơn Nam là cây đại thụ của làng văn học Việt Nam, nhà Nam Bộ học tiên phong và kiệt xuất”. PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết (Giảng viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Chú Sơn Nam ơi! Cháu nhớ mãi chú những ngày cùng làm việc và nghiên cứu Nam Bộ. Chú là nhà Nam Bộ học đã để lại cho Nam Bộ những tác phẩm bất tử như phù sa tươi trên mảnh đất này”.

TS. Trương Minh Nhựt (Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận xét: “Nhà văn Sơn Nam là một nhà văn Nam Bộ, ông đã tham gia khan chiến chống Pháp, có nhiều tác phẩm yêu nước, dân tộc, khan chiến đấu tranh cách mạng từ chiến khu ở Rạch Giá đến Sài Gòn. Thời gian ở Sài Gòn, ông tham gia đấu tranh yêu nước, đấu tranh mật trận báo chí, văn hóa, văn học, bị địch bắt và bỏ tù ở Tổng Nha cảnh sát Quốc gia trong vụ 18 ký giả trước năm 1975. Nhà văn là hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm xứng đáng là: Nam Bộ học, nhà văn miệt vườn, nhà văn Nam Bộ, ông già đi bộ…”. Ông Trương Vĩnh Ái (Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cũng nhận định: “Nhà văn Sơn Nam là cây đại thụ trong làng văn học Việt Nam. Ông là cây bút xuất sắc viết về miệt vườn sông nước Cửu Long và Nam Bộ”.

Trong chuyến công tác tại thành phố Mỹ Tho năm 2014, PGS.TS. Đoàn Lê Giang (Nguyên Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Rất vui mừng được đặt chân tới nhà lưu niệm Sơn Nam. Xin cảm ơn gia đình nhà văn Sơn Nam, những lưu giữ và trao tặng cho công chúng như thế này là vô cùng quý giá”. Năm 2014, TS. Mai Mỹ Duyên (Nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã đến thăm khu tưởng niệm này và có ghi: “Thời gian tưởng sẽ nguôi ngoai nỗi nhớ về người xưa. Nhưng lạ thay, ngồi trong ngôi nhà lưu niệm ấm cúng này thì những kỷ niệm với bác Sơn Nam lại hiện về trong trí nhớ. Nhớ một người Bác gầy gò, khuôn mặt suy tư mà hóm hỉnh, xách tụng bang đi khắp Nam Bộ, nhớ giọng cười, tiếng nói, cung cách pha trà, bình phẩm rất dí dỏm và sâu sắc của Bác. Người còn để lại cho đời cái “tâm” và cái “tình” của người cầm bút. Tâm tình ấy sẽ sáng mãi trong lòng những của các thế hệ ngưỡng mộ văn chương, yêu chuộng nghệ thuật và say mê nghiên cứu khoa học.

4. Kết luận

Hơn 80 năm tại thế, di sản mà nhà văn Sơn Nam để lại cho đời là kho kiến thức phong phú đến mức những người làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử... gọi đó là một gia tài vĩnh cửu. Những tác phẩm khảo cứu của Sơn Nam đều viết theo dạng tùy bút nhưng dữ liệu trong đó thì hoàn toàn xác thực. Vì điều này mà tác phẩm của ông vừa minh triết, vừa giàu tình cảm, có giá trị lớn để thế hệ sau có thể tham khảo, đối chiếu. Hiện nay, nhà lưu niệm Sơn Nam là địa chỉ để bảo tồn, phát huy di sản to lớn của nhà văn; là nơi để tổ chức giảng dạy, học tập ngoại khóa của các trường học và các hoạt động văn hóa, một điểm tham quan du lịch văn hóa của tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng trong tương lai, nhà lưu niệm này sẽ thực sự là một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục tình yêu văn chương cho thế hệ trẻ, tương xứng với vị thế, tầm vóc của nó trong lịch sử văn đàn nước nhà và là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thăm Tiền Giang./.

 ThS. NCS. Võ Văn Sơn (Trường Đại học Tiền Giang)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Huỳnh Công Tín (2012), Văn chương miền sông nước Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Huỳnh Công Tín (2013), “Sơn Nam - Nhà Nam Bộ học”, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/2423-huynh-cong-tin-son-nam-nha-nam-bo-hoc.html, trích đọc ngày 24 tháng 5 năm 2019

3. Võ Văn Thành (2009), Sơn Nam – Cây đại thụ văn học, văn hóa Nam Bộ, Tạp chí chí xưa và nay, số 337.

4. Võ Văn Thành (2013), Nam Bộ qua cái nhìn của nhà văn Sơn Nam, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

5. Sơn Nam (2003), Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

6. Sơn Nam (2007), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

7. Sơn Nam (2008), Sơn Nam: đi và ghi nhớ, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

8. Sơn Nam (2005), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

9. Lê Văn, A Khuê (2018), “Về Mỹ Tho thăm nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam”, Quê mình ngày mới, nguồn: https://queminhngaymoi.vn/phong-su-anh/ve-my-tho-tham-nha-luu-niem-nha-van-son-nam, trích đọc ngày 25 tháng 5 năm 2019.

 

Tương phản
Đánh giá bài viết(0/5)

Văn bản mới Văn bản mới

VĂN BẢN MỚI
 389/SGDĐT-TCHC: V/v triển khai thực hiện Thông tư số 1/2023/TT-BNV ngày 09 tháng 3 năm 2023 của Bộ Nội vụ
 382/SGDĐT-TCHC: V/v đảm bảo học sinh độ tuổi sinh năm 2004 đến sinh năm 2009 có thẻ Căn cước công dân phục vụ các kỳ thi tốt nghiệp
 39/KH-SGDĐT: Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 đối với các đơn vị trực thuộc của Sở Giáo dục và Đào tạo
 49/BC-SGDĐT:Báo cáo Kết quả tổ chức đối thoại và tình hình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lần 1 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo
 06/TB-HĐTD: Thông báo thời gian dự giảng dạy kỳ tuyển dụng viên chức (vòng 2)

 

Liên kết Liên kết

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập:
-
Hôm nay:
-
Tuần hiện tại:
-
Tuần trước:
-
Tháng hiện tại:
-
Tháng trước:
-
Tổng lượt truy cập:
-
Natural Natural Natural Natural Natural Natural
​​