
>>>> TIN VẮN |
Chi tiết tin
Tân Phước là huyện mới của tỉnh Tiền Giang nằm trên vùng Đồng Tháp Mười nhiều khó khăn. Cùng với đầu tư khai thác tốt các tiềm năng đất đai, lao động của vùng đất mới, giúp bà con vào khai hoang lập nghiệp ổn định cuộc sống; việc phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí còn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm.
Là huyện vùng đất mới, sự nghiệp giáo dục cũng khởi đầu từ cơ hồ là con số 0 nếu không muốn nói tạo dựng từ đầu. Rất nhiều việc phải làm nhằm đặt nền tảng cho công tác giáo dục trong những năm huyện được thành lập, từ công tác nhân sự, đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp đến vận động các cháu ra lớp,…Trong những bộn bề khó khăn từ thuở “vạn sự khởi đầu nan” cách đây 24 năm đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, nhà quản lý đến các thầy cô giáo luôn nặng lòng với “sự nghiệp trồng người” quan tâm vun đắp để mỗi năm qua đi, trên những con đường qua khắp các miền quê hẻo lánh, người ta lại thấy từng ngôi trường mới mọc lên như những bông hoa sen tươi thắm. Đây đó, vang lên tiếng đọc bài rộn rã của các cháu học sinh và những buổi tan trường, áo trắng tung tăng chân sáo làm xôn xao lòng người.
Trường THCS thị trấn Mỹ Phước không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (Nguồn: Báo Ấp Bắc)
Để đến hôm nay, năm học mới 2018 – 2019 bắt đầu đã khá lâu nhưng dư âm tiếng trống khai trường tưởng như vẫn còn âm vang trong lòng người, từ lớp trẻ cho đến các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và bao nhiêu người đã có cả thời tuổi nhỏ gắn bó với những mái trường thân thương. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tân Phước, năm học 2018 – 2019 là năm học sơ kết đánh giá thành quả sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 23/1/2014 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 3/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng; Chương trình hành động của Tỉnh ủy Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Đồng thời củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Trong đó, toàn ngành phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” cũng như thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học mới.
Năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục – đào tạo Tân Phước tăng cường hơn nữa kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong nhà trường. Mặt khác, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường đồng thời tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Đối với giáo dục mầm non sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quan điểm giáo dục mới là lấy trẻ em làm trung tâm. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng đồng thời tích cực khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái qui định. Giáo dục thường xuyên thì thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Qua đó, thiết thực xây dựng thành công xã hội học tập.
Để đạt mục tiêu, ngành giáo dục – đào tạo Tân Phước đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Huyện quan tâm đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chú trọng công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng như quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo nói chung.
Hiện nay, mạng lưới cơ sở vật chất ngành giáo dục - đào tạo tại huyện Tân Phước đã được kiện toàn. Hệ thống trường sở phủ kín 100% số xã, thị trấn. Đến hết năm học 2017 – 2018, toàn huyện cũng đã có 15/31 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, ngành mầm non có 2 trường, tiểu học 9 trường, trung học cơ sở 4 trường.
Tỉ lệ trường đạt chuẩn so với tổng số trường của từng bậc học đạt được gồm: Bậc mầm non đạt 20%, tiểu học đạt 60% và trung học cơ sở đạt 66,7%. So với năm học 2016 – 2017, số trường đạt chuẩn đã tăng thêm 2 trường. Về giáo viên, 100% đạt chuẩn trong đó có 78,95% đạt trên chuẩn. Trong năm học vừa qua, theo ghi nhận có 3 cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học và số cán bộ quản lý hoàn thành chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục đạt tỉ lệ 98,2%. Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi để ngành giáo dục – đào tạo huyện Tân Phước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2018 – 2019, thiết thực đưa sự nghiệp giáo dục tại vùng đất mới Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) bước lên một nấc thang phát triển cao hơn nữa./.
Minh Trí - Phân xã Tiền Giang







Văn bản mới
Liên kết
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |
