
>>>> TIN VẮN |
Chi tiết tin
Trong các ngày 01, 02 và 03/3/2019, các nhà giáo kháng chiến Trung Nam Bộ (TNB) Khu 8 – T2 (Khu 8, Trung Nam Bộ trước đây gồm các tỉnh: Bến Tre, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công, Mỹ Tho, An Giang- Long Châu Tiền…hiện nay là các tỉnh:Bến Tre, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang) có buổi họp mặt ấm áp tại lần thứ XV tại TP Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang do Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban liên lạc giáo dục khu Trung Nam Bộ tổ chức. Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đại diện Văn phòng Bộ GD-ĐT phía Nam ông Hồ Như Duyến, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, Trưởng Ban liên lạc giáo dục khu Trung Nam Bộ Ngô Hải Phong cùng hơn 300 nhà giáo từng công tác tại khu TNB đã đến dự.
Quang cảnh buổi họp mặt (Ảnh: Thùy Trang)
Phát triển giáo dục trong lửa đạn chiến tranh
Trong lịch sử thế giới, hầu hết các nước hễ khi có chiến tranh là trường học đóng cửa. Ngược lại ở Việt Nam giáo dục chẳng những tồn tại mà còn phát triển về số lượng cũng như chất lượng ở vùng tự do, vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm…
Dù trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, giáo dục TNB Khu 8 – T2, cùng với giáo dục cách mạng miền Nam vẫn được duy trì, củng cố và phát triển phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến ở từng thời kỳ; mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các trường tập trung Bổ túc văn hóa (BTVH), Thiếu sinh quân với nhiều loại hình đa dạng: trong nhà dân, trong công sự, dưới hầm địa đạo, trên xuồng...được duy trì với tinh thần “Cách mạng bám dân, thầy bám trường, học sinh bám lớp”.
Đầu năm 1962, toàn khu có gần 2000 lớp học với hơn 14.000 học viên và hơn 900 thầy cô giáo. Từ năm 1964-1965 các tỉnh trong khu đều xây dựng được trường BTVH, trường Thiếu sinh quân cho cán bộ, chiến sĩ học tập…Từ năm 1965 đến 1973, Khu 8 tiếp nhận nhiều đoàn cán bộ, giáo viên chi viện từ tỉnh phía Bắc, góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển giáo dục TNB.
Nhà giáo ưu tú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thanh Đức khẳng định: các hoạt động của thầy cô trong thời kỳ khắng chiến đã góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của ta đến thắng lợi hoàn toàn. Trong vòng vây của kẻ thù, các hoạt động giáo dục miền Nam vẫn phát triển. Các nhà giáo nhất là nhà giáo được tăng cường từ miền Bắc không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa mà còn là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Nhiều thầy cô đã anh dũng hy sinh góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc và của ngành giáo dục…
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao quà cho các nhà giáo từng công tác trong thời kỳ kháng chiến (Ảnh: Phi Công)
NGƯT Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GDĐT Tiền Giang và Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Dung trao quà cho các nhà giáo từng công tác trong thời kỳ kháng chiến (Ảnh: Đức Phong)
Sẵn sàng hy sinh và đương đầu với khó khăn
Chúng tôi gặp nhà giáo Trần Thị Thanh Hà đã 78 tuổi. Bà từng là học sinh trường Miền Nam năm 1954 và vượt Trường Sơn hồi kết vào Nam năm 1965. Bà tham gia trận Mậu Thân năm 1968 vàhoạt động giáo dục tại nội thành TP Mỹ Tho. Bà đã xây dựng được 29 giáo viên nội ô là cơ sở của cách mạng. Đây cũng là lực lượng nồng cốt cho việc tiếp quản giáo dục TP Mỹ Tho sau ngày 30/4/1975. Để thực hiện các hoạt động bí mật này bà phải “hối lộ” để có căn cước hợp pháp mang tên giả…“Dù phải đối mặt với bao gian khổ nhưng do được các cấp lãnh đạo, người dân yêu thương, đùm bọc, chia sẻ. Nhờ đó, mà tôi hoàn thành nhiệm vụ”, cô giáo kháng chiến Thanh Hà cho biết thêm.
Gởi một bàn tay lại chiến trường, nhà giáo, thương binh Đinh Văn Lời (Nhị Quý, Cai Lậy, Tiền Giang) từng “tay súng tay bút” trong cuộc Tổng tiến công và nỗi dậy mùa xuân 1968 với 3 giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 1 Huân chương Chiến công hạng II. Ông cho biết là rất tự hào đã góp sức mình vào sự nghiệp giáo dục và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, đội ngũ cán bộ giáo dục Khu TNB được tôi luyện trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đã trưởng thành và kiên định vững vàng trong chiến đấu trên mặt trận giáo dục. Cùng với cán bộ giáo viên được chi viện từ miền Bắc, họ đã vượt khó, kiên trì bám dân, bám đất, bám chiến trường công tác và chiến đấu, hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ đánh giặc và dạy học.
Sau ngày đất nước thống nhất, Khu TNB giải thể. Các nhà giáo đã cùng nhân dân và toàn ngành góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị - xã hội, xác lập, xây dựng và phát triển hệ thống, nội dung, hình thức giáo dục mới trong điều kiện khó khăn của đất nước mới vừa thống nhất cộng thêm với việc đối phó trận lũ lụt cuối năm 1978 các cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Pôn Pốt ở các tỉnh có biên giới giáp Campuchia: Long An, Đồng Tháp, An Giang…
Chuyến trở về đầy nghĩa tình
Buổi họp mặ tdiễn ra trong không khí ấm áp khi những cựu nhà giáo đã dành một phút để tưởng niệm những đồng nghiệp của mình không còn nữa.
Nhóm nhà giáo khu vực phía Bắc rất vui mừng khi đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang gặp được đồng đội của mình đã yên nghỉ tại đây. Thế là những câu chuyện xúc động được chia sẻ, những kỷ niệm một thời cùng học tập, giảng dạy và hoạt động cách mạng…được kể lại với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.
Từ Thái Bình vào họp mặt, thầy Nguyễn Khắc Thể cho biết: lúc trước, chúng tôi những giáo viên trẻ ấy tuổi 18, đôi mươi. Hăng hái tình nguyện vào chi viện cho miền Nam, gieo những con chữ cách mạng trên vùng đất Khu 8.Giờ đây nhìn lại ai cũng đã ngoài 60, có người không thể đến được vì lý do sức khỏe. Hễ còn gặp được nhau là những câu chuyện bất tận về một thời dạy học đủ thấy vui rồi.
Hơn 40 năm qua, những nhà giáo kháng chiến đã bày tỏ sự vui mừng khi nhìn những sự đổi thay từng ngày trên quê hương, hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, học trò của mình trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức cho biết Tiền Giang đang đầu tư, sưu tầm kỷ vật trong cuộc kháng chiến, thành lập bảo tàng Khu 8 Trung Nam Bộ (trong Bảo tàng tỉnh) để giáo dục và tiếp nối truyền thống. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ông đã ghi nhận và cám ơn sự đóng góp quý báu của các nhà giáo kháng chiến.
Bài: Xuân Uyên - Ảnh: Đức Phong, Thùy Trang, Phi Công







Văn bản mới
Liên kết
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |
