
>>>> TIN VẮN |
Chi tiết tin
Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, dù ở bất cứ thời đại nào thì vai trò của người thầy luôn được đề cao, coi trọng. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và là điểm sáng về giáo dục của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2022), chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT.
* PV: Thưa Tiến sĩ, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tình hình mới, ngành giáo dục đã thực hiện những giải pháp gì?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình đổi mới. Toàn ngành có trên 19.139 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà đã có ý thức chính trị sâu sắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; rất nhiều giáo viên đã nỗ lực sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đã không ngại vượt khó, bám trường, bám lớp để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Ngành Giáo dục đang triển khai đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành; đồng thời từng bước nâng cao và chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống; thường xuyên được cập nhật phương pháp giảng dạy, kiến thức, kỹ năng mới cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ trình độ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022), tôi rất mong rằng đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình hơn nữa. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tỉnh nhà không ngừng xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo. Tôi thân ái gởi lời chúc quý thầy cô giáo và cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, đặc biệt là sẽ có nhiều tâm huyết, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” của mình, cùng với toàn ngành đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới. Tiến sĩ Lê Quang Trí |
* PV: Theo Tiến sĩ, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay thì vai trò của người thầy được khẳng định ra sao?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Do yêu cầu của công cuộc đổi mới chính vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải nhanh chóng cập nhật về công nghệ dạy học, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp sự thay đổi về nhiều phương diện từ phương pháp, chương trình đến sách giáo khoa... Đây là vấn đề được xem là thách thức thế nhưng đây chính là cơ hội để mỗi người thầy chúng ta thay đổi,thích nghi, trau dồi chính mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học trong thời đại 4.0.
Đứng trước bối cảnh của đổi mới giáo dục, đặc biệt trước mắt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc truyền thụ tri thức của người thầy trong xã hội hiện nay không còn là việc truyền dạy “một chiều” như trước, mà người thầy phải chủ động, hỗ trợ, dẫn dắt, truyền dạy kỹ năng cho học sinh, nghĩa là hướng đến yêu cầu thực hành chứ không phải lý thuyết suông như trước đây. Bên cạnh đó thì người thầy không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Và một điểm thiết nghĩ đây sẽ là vấn đề xuyên suốt đi theo mỗi cuộc đời của ai đã chọn nghề giáo đó là người thầy cần phải gương mẫu ngay trong cả lời nói và hành động.
* PV: Trước bối cảnh đổi mới, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người thầy cần làm gì để thích ứng tình hình mới?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp GD-ĐT hiện nay, người thầy luôn phải tự thân phấn đấu rất cao. Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi”. Chính vì vậy, để nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của nhà giáo, mỗi một thầy, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh về giáo dục; mỗi người phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội.
Trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT mới như hiện nay, mỗi nhà giáo cần phải tự mình nỗ lực rèn luyện đạo đức, lối sống và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhiều hơn, thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để truyền lửa cho thế hệ mai sau, cho sự nghiệp trồng người. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng phải nhận thức đúng đắn vai trò, bổn phận và trách nhiệm to lớn của mình; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện”; mỗi thầy cô giáo ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của sự nghiệp trồng người mà Ðảng, nhân dân đã tin yêu và giao phó. Có làm như vậy, chúng ta mới xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã căn dặn.
Ban Biên tập







Văn bản mới
Liên kết
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |
